5 loại đồ uống dễ gây rối loạn tiêu hóa
Chất cồn trong bia rượu; caffeine trong trà, cà phê… có thể ảnh hưởng tiêu cực đến dạ dày, ruột, gây rối loạn tiêu hóa.
Nhờ hệ tiêu hóa, thức ăn được phá vỡ cấu trúc và chuyển đổi thành chất dinh dưỡng, được cơ thể hấp thụ. Hoạt động tiêu hóa bị thay đổi vì nhiều nguyên nhân có thể gây ra rối loạn. Lúc này, người bệnh có những triệu chứng từ nhẹ đến nặng như đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn hoặc buồn nôn, thay đổi thói quen đại tiện…
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh (Trưởng khoa Tiêu hóa, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, thông thường nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm chế độ ăn uống chưa hợp lý, thực phẩm sử dụng không đảm bảo vệ sinh; người mắc các bệnh lý liên quan đến dạ dày, ruột, gan và tụy. Bên cạnh đó, lạm dụng một số đồ uống dưới đây cũng có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
Rượu bia
Chất cồn làm thay đổi hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, kích thích nhu động ruột, làm rối loạn hấp thu nước, chất dinh dưỡng, chất điện giải và thúc đẩy sự đào thải phân ở đại tràng. Người uống rượu bia quá nhiều dễ bị rối loạn tiêu hóa. Người bệnh thường gặp một số triệu chứng đau chướng bụng, khó tiêu; nôn hoặc buồn nôn; đi ngoài phân lỏng tần suất ngày 3-4 lần.
Ngoài ra, lớp lông nhung trong thành ruột chứa nhiều lợi khuẩn. Lượng cồn nạp vào cơ thể quá lớn có thể làm chết lượng lớn lợi khuẩn đường ruột, khiến hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng, đi ngoài phân lỏng. Khác với việc xử lý các chất dinh dưỡng trong thực phẩm, chất cồn trong rượu bia được hấp thụ trực tiếp vào máu qua niêm mạc dạ dày và ruột non. Người uống nhiều rượu bia thường xuyên có thể mắc các bệnh lý dạ dày, ruột. Trong khi, những bệnh lý này đều gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
Trà xanh, cà phê
Trà xanh và cà phê chứa hàm lượng caffeine cao, nhất là cà phê. Caffeine có khả năng tăng co bóp của đường tiêu hóa, dẫn đến tăng nhu động ruột, khiến đi ngoài phân lỏng. Uống nhiều caffeine kích thích cơ thể tăng tiết hormone gastrin, làm tăng tiết axit dịch vị, dạ dày co bóp nhiều hơn, đẩy nhanh thức ăn xuống ruột. Quá trình này còn tăng phản xạ dạ dày đại tràng, dẫn đến đi ngoài phân lỏng.
Nước tăng lực
Tiến sĩ Khanh cho biết, không chỉ cung cấp rất ít chất dinh dưỡng và không có chất xơ, nước tăng lực còn chứa caffeine nên cũng gây rối loạn tiêu hóa tương tự cà phê. Chất tạo ngọt hoặc rượu đường – một loại dẫn xuất alcohol (rượu) của đường (hoặc polyalcohol) như maltitol, xylitol trong nước tăng lực không thể bị phá vỡ và chuyển hóa bởi vi khuẩn trong đường ruột. Chúng hấp thụ nước đi vào ruột hoặc được lên men bằng vi khuẩn đường ruột, gây ra tình trạng chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy.
Sữa và các thức uống từ sữa
Một số người bất dung nạp lactose khi tiêu thụ những thức uống được làm từ sữa, ruột non không thể phân giải được đường lactose do cơ thể thiếu hụt enzyme lactase. Khi đó, lactose bị đẩy xuống ruột già và các vi khuẩn trong ruột già phân rã thành khí và chất lỏng, khiến người bệnh gặp phải các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đầy hơi.
Đồ uống có ga
Các loại đồ uống có ga dù kích thích ăn ngon miệng nhưng chứa nhiều khí carbon dioxide, gây đầy hơi, chướng bụng.
Theo Tiến sĩ Khanh, rối loạn tiêu hóa có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều bộ phận, cơ quan trong cơ thể. Đây có thể là biểu hiện của bệnh lý tiêu hóa nhẹ, thoáng qua, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh dạ dày, ruột nghiêm trọng, cần được phát hiện và điều trị sớm. Khi có các biểu hiện như tiêu chảy hoặc táo bón, khó nuốt, buồn nôn hoặc nôn, đau bụng liên tục và đau nhiều khi chạm vào, người bệnh cần đi khám sớm.
Quý khách hàng quan tâm Viên uống hỗ trợ điều trị đau dạ dày MMSC Kowa 300 viên – Nhật Bản vui lòng inbox Fanpage,
Hotline: 098.111.5096 – 098.111.3330 (Sỉ) để được tư vấn chi tiết
Công Ty Cổ Phần Dược Phẩm Gico
GPKD số: 0109908093 do Sở KH và ĐT TP Hà Nội cấp ngày 17/02/2022
Địa Chỉ: Tầng 5 Tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, P. Tương Mai, Q. Hoàng Mai, TP.Hà Nội