Nhiều người cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, nhưng trên thực tế đột quỵ cũng xảy ra ở cả trẻ em. Tuy nhiên, đột quỵ ở trẻ em so với ở người lớn khác về nguyên nhân, yếu tố và nguy cơ, do vậy sẽ khác về hướng chẩn đoán và điều trị.
Trẻ em cũng mắc đột quỵ
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: trung tâm từng điều trị nhiều bệnh nhân trẻ bị đột quỵ, trong đó có cả trẻ em dưới 15 tuổi. Như trường hợp bệnh nhi 9 tuổi khi đang đi học, bé đột ngột yếu tê bì nửa người bên trái, được đưa vào viện tỉnh cấp cứu. Kết quả chụp cắt lớp vi tính chưa phát hiện tổn thương nhưng kết quả chụp cộng hưởng từ phát hiện nhồi máu não.
Một ca bệnh khác, bé gái 12 tuổi ở Phú Thọ được đưa đến viện muộn, sau 12 tiếng vì triệu chứng không rõ ràng. Bệnh nhi đột ngột nhìn mờ, được đưa vào Trung tâm, chẩn đoán phình thông động tĩnh mạch.
Theo PGS Tôn, trong số bệnh nhân đột quỵ nhập viện, khoảng 10% là người trẻ (dưới 45 tuổi). Ở nhóm bệnh nhân này, hầu hết người trẻ chủ quan không nghĩ đến đột quỵ mà nghĩ đến bệnh lý khác, nên dễ bỏ qua giai đoạn sớm của bệnh.
Ông Đ.N.V (61 tuổi, quê Ninh Bình) bất ngờ bị đột quỵ trên đường đi công tác từ Ninh Bình đến Hà Giang. Thời điểm khởi phát đột quỵ, bệnh nhân đang ăn cơm trưa, đột ngột xuất hiện méo miệng, nói khó, tay làm rơi đũa, liệt nửa người phải. Nhờ sự hiểu biết của đồng nghiệp về các địa chỉ điều trị chuyên khoa đột quỵ nên bệnh nhân đã được di chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để cấp cứu sau 30 phút di chuyển.
Tại Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, trước tình trạng rối loạn ý thức, gọi hỏi không trả lời, huyết áp tăng cao của người bệnh, các bác sĩ đã khám và nhận định các dấu hiệu điển hình của đột quỵ não cấp tính, từ đó đưa ra chỉ định chụp CT cắt lớp vi tính mạch máu não.
Kết quả hình ảnh chụp cắt lớp vi tính có dựng mạch não cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch cảnh trong trái. Người bệnh được chẩn đoán xác định: Đột quỵ nhồi máu não giờ thứ 2 do tắc động mạch cảnh trong bên trái/ Tăng huyết áp.
Sau khi hội chẩn, người bệnh được chỉ định can thiệp lấy huyết khối mạch não và nhanh chóng được chuyển tới phòng can thiệp.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Mặc dù nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng họ vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế – cho biết: Thông thường, đột quỵ thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên, tuy nhiên độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỉ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ.
Theo thống kê tại các bệnh viện, tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Để điều trị đột quỵ nhồi máu não cần phải phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời mới có khả năng cứu sống được bệnh nhân. Ở trẻ em, đột quỵ nhồi máu não gây nguy cơ tử vong rất cao, tuy nhiên những hiểu biết về bệnh lý này còn hạn chế, nên dễ dẫn đến chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác, làm chậm trễ quá trình điều trị.
Phòng ngừa đột quỵ đang là một thách thức rất lớn và khó khăn. Khuyến cáo chung về thời gian vàng trong bệnh đột quỵ là 6 giờ. Do vậy, nên phải xử trí được đột quỵ cho bệnh nhi càng sớm càng tốt.